Monetize chuyên môn: 6 câu hỏi định hình tư duy
Đặc biệt hữu ích nếu bạn đang hoang mang lựa chọn ngách hoặc hướng phát triển sản phẩm dịch vụ chuyên môn
Bạn có biết điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một freelancer và một doanh nhân thực thụ? Không phải là số lượng khách hàng, không phải là doanh thu, mà chính là tư duy. Một freelancer có thể làm việc 12 tiếng mỗi ngày nhưng vẫn mang tư duy của người làm thuê - nhận mọi dự án đến với mình, cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, và thường xuyên rơi vào vòng xoáy "càng làm càng không đủ sống".
Có một nghịch lý thú vị là nhiều người khi bắt đầu, hoặc thậm chí mới là đang nhen nhóm con đường solopreneur thường dành quá nhiều thời gian để đi tìm đam mê. Họ tin rằng đam mê là điều kiện tiên quyết để phát triển một sản phẩm hay dịch vụ thành công. Nhưng thực tế cho thấy, đam mê không phải là input - nó là output. Đam mê đến từ việc bạn giải quyết được vấn đề của người khác một cách xuất sắc và nhận được sự công nhận xứng đáng.
Khi quyết định rời vị trí CEO của một startup công nghệ, để trở thành solopreneur toàn thời gian, mình đã dành 3 tháng đầu tiên để liên tục đặt ra và trả lời 6 câu hỏi quan trọng. Những câu hỏi này không phải tự nhiên mà mình nghĩ ra. Chúng được rút từ mô hình Lean Canvas - một công cụ xây dựng chiến lược kinh doanh tinh gọn mà mình thường nhắc đến rất nhiều lần cho khách hàng và học viên.
6 câu hỏi này buộc bạn phải suy nghĩ như một doanh nhân thực thụ. Không phải là người cung cấp dịch vụ bị động chờ đợi yêu cầu từ khách hàng, mà là một chủ doanh nghiệp chủ động định hình sản phẩm, thị trường và tương lai của chính mình. Đó là sự khác biệt giữa việc "kinh doanh chuyên môn" và đơn thuần là "bán thời gian và kỹ năng của mình".
Trong bài viết này, Dung sẽ chia sẻ chi tiết 6 câu hỏi đó và cách chúng có thể giúp bạn chuyển đổi từ tư duy người làm thuê sang tư duy người làm chủ thực sự. Đây không chỉ là những câu hỏi để trả lời một lần rồi xong, mà là một khung tư duy sẽ đồng hành cùng bạn trong toàn bộ hành trình phát triển doanh nghiệp của mình.
1. Bạn tập trung vào lĩnh vực chuyên môn nào?
Hoàn thiện câu:
"Tôi sử dụng chuyên môn của mình để giúp mọi người _______."
Đối với người mới, đang loay hoay chọn ngách, bạn nên tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: Thay vì "Tôi dạy marketing", hãy nói "Tôi giúp các shop thời trang tăng doanh số thông qua content TikTok."
Đối với người có kinh nghiệm 1 năm: Tinh chỉnh chuyên môn dựa trên phản hồi thị trường. Ví dụ: "Tôi giúp các shop thời trang tăng 30% doanh số trong 90 ngày thông qua chiến lược content TikTok tập trung vào Gen Z."
Đối với người đã làm 3 năm: Mở rộng phạm vi ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được tính chuyên sâu. Ví dụ: "Tôi giúp các doanh nghiệp bán lẻ xây dựng chiến lược social media toàn diện, với trọng tâm là tăng trưởng trên TikTok và Instagram Reels."
2. Điều gì tạo nên sự khác biệt của bạn?
"Khác với những người khác trong ngành, tôi _______ bởi vì _______."
Sự khác biệt của bạn sẽ tiến hóa theo thời gian:
Giai đoạn đầu: Tập trung vào những trải nghiệm độc đáo của bản thân. Ví dụ: "Tôi áp dụng 5 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty đa quốc gia vào việc dạy tiếng Anh thương mại."
Giai đoạn phát triển: Nhấn mạnh vào phương pháp và kết quả đã được chứng minh. Ví dụ: "Phương pháp của tôi giúp 90% học viên tự tin giao tiếp tiếng Anh trong môi trường công sở sau 6 tháng."
Giai đoạn chín muồi: Kết hợp giữa thương hiệu cá nhân và hệ thống đã được kiểm chứng. Ví dụ: "Chúng tôi có quy trình đào tạo tiếng Anh được chuẩn hóa qua 1.000+ học viên, kết hợp với coaching 1-1 để đảm bảo kết quả."
3. Ai thực sự cần chuyên môn của bạn?
"Khách hàng lý tưởng của tôi là người _______ đang gặp vấn đề _______ và muốn _______."
Với người mới: Tìm một nhóm nhỏ có nhu cầu rõ ràng. Ví dụ: "Các chủ shop online mới khởi nghiệp, đang bán được 5-10 đơn/ngày."
Người có kinh nghiệm 1-2 năm: Phân khúc khách hàng chi tiết hơn. Ví dụ: "Các chủ shop online đã hoạt động 1-2 năm, doanh thu 100-200 triệu/tháng, muốn tăng trưởng thông qua social media."
Người có từ 3 năm kinh nghiệm: Có thể phục vụ nhiều phân khúc khác nhau với các gói dịch vụ khác nhau. Ví dụ: Từ gói cơ bản cho shop nhỏ đến gói VIP cho thương hiệu lớn.
4. Chuyên môn của bạn thay đổi cuộc sống của người khác như thế nào?
"Sau khi làm việc với tôi, khách hàng sẽ đi từ _______ đến _______."
Cách định nghĩa giá trị sẽ ngày càng sâu sắc theo thời gian:
Giai đoạn đầu: Tập trung vào kết quả cụ thể, ngắn hạn. Ví dụ: "Từ người chưa biết sử dụng TikTok đến có thể tự tạo content thu hút trong 30 ngày."
Giai đoạn phát triển: Nhấn mạnh tác động dài hạn. Ví dụ: "Từ shop phụ thuộc hoàn toàn vào quảng cáo đến xây dựng được cộng đồng khách hàng trung thành, giảm 50% chi phí marketing."
Giai đoạn chín muồi: Kết hợp nhiều lớp giá trị. Ví dụ: "Không chỉ tăng doanh số, chúng tôi giúp bạn xây dựng hệ thống vận hành bền vững, đội ngũ content chuyên nghiệp, và thương hiệu uy tín trên social media."
5. Đâu là cách hiệu quả nhất để truyền tải chuyên môn của bạn?
"Chuyên môn của tôi được truyền đạt hiệu quả nhất thông qua _______ vì _______."
Phương thức truyền đạt sẽ phát triển theo quy mô:
Khi bạn mới bắt đầu:
Dịch vụ 1-1 để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm
Workshop nhỏ 5-10 người để thử nghiệm nội dung
Tư vấn qua Zoom để tiết kiệm thời gian di chuyển
Khi bạn bắt đầu có kinh nghiệm:
Kết hợp học nhóm và coaching 1-1
Khóa học online có hỗ trợ qua group
Chương trình đào tạo theo lộ trình
Khi bạn đã có nhiều minh chứng thành công nhất định:
Hệ thống đào tạo tự động kết hợp AI
Nền tảng học tập trực tuyến riêng
Chương trình coaching cao cấp
6. Mục tiêu tài chính của bạn là gì?
"Trong 6 tháng tới, tôi cần đạt được _______ thông qua việc _______."
Cách đặt mục tiêu cũng phát triển theo thời gian:
Giai đoạn đầu: Tập trung vào việc xây dựng thu nhập ổn định. Ví dụ: "Đạt 10 triệu/tháng từ 5 khách hàng coaching 1-1."
Giai đoạn phát triển: Tối ưu hóa và mở rộng quy mô. Ví dụ: "Tăng doanh thu lên 30 triệu/tháng thông qua việc ra mắt khóa học online và tăng giá gói coaching."
Giai đoạn chín muồi: Xây dựng tài sản và hệ thống. Ví dụ: "Xây dựng nền tảng học tập tự động với 300+ học viên, doanh thu trung bình trên 50 triệu/tháng."
Bạn đã nắm được 6 câu hỏi trên? Dưới đây là gợi ý của mình để bạn dễ dàng suy nghĩ về các khía cạnh khi trả lời chúng:
Cách áp dụng 6 câu hỏi hiệu quả:
Đánh giá giai đoạn hiện tại của bạn.
Trước khi trả lời các câu hỏi, hãy xác định bạn đang ở đâu:
Mới bắt đầu: Tập trung vào việc xác định ngách và tìm khách hàng đầu tiên
Đang phát triển: Cần tối ưu quy trình và tăng giá trị dịch vụ
Đã ổn định: Muốn mở rộng hoặc tạo ra những đột phá mới
Lên kế hoạch rõ ràng
Dành thời gian trả lời từng câu hỏi một cách chi tiết. Đây là điều mà Dung ít khi thấy có bạn học viên nghiêm túc thực hiện điều này, trong khi đó là những thứ mà đáng lẽ bạn nên tập trung vào nhiều nhất để sớm “cất cánh” cho các sản phẩm dịch vụ của mình. Để trả lời được những câu hỏi trên, bạn có thể tập trung trong 3 tháng đầu:
Nghiên cứu thị trường và phân tích đối thủ
Thử nghiệm với nhóm khách hàng nhỏ
Thu thập phản hồi và điều chỉnh
Thường xuyên đánh giá và điều chỉnh
Xem xét lại câu trả lời mỗi 3-6 tháng
Cập nhật dựa trên phản hồi của thị trường
Điều chỉnh theo xu hướng mới của ngành
Hành trình không có điểm dừng
6 câu hỏi này không phải là công thức ma thuật để thành công ngay lập tức. Chúng là công cụ giúp bạn liên tục phát triển và điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình. Điều quan trọng là phải trung thực với câu trả lời và sẵn sàng thay đổi khi cần thiết.
Bên cạnh đó, không có câu trả lời nào là cố định. Mỗi giai đoạn phát triển sẽ mang đến những góc nhìn mới, và việc của bạn là liên tục điều chỉnh để tạo ra giá trị tốt nhất cho khách hàng của mình.
Bạn đang ở giai đoạn nào trong hành trình phát triển? Hãy bắt đầu với 6 câu hỏi này và xem chúng dẫn bạn đến đâu nhé!